agifish.co@agifish.com.vn (+84)2963 852 368 - (+84)918 799 190

Doanh nghiệp thủy sản đuối sức, lo mất thị trường

Sau nhiều tháng tăng trưởng liên tiếp trong hoạt động xuất khẩu thì bắt đầu từ tháng 8 kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đã giảm mạnh. Các chuyên gia dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2021 ngành này sẽ còn đối diện với nhiều thách thức hơn nữa trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản bắt đầu sụt giảm từ đầu tháng 8-2021. Ảnh: DNCCTheo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu tháng 8-2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu đô la Mỹ, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7-2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm này. Kể từ khi chỉ thị 16 được ban hành, hàng loạt nhà máy chế biển thủy sản tại phía Nam ngừng hoạt động. Với những doanh nghiệp đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” thì công suất trung bình cũng chỉ đạt khoảng 30-40% so với bình thường.

Ở Công ty Nam Việt (An Giang), hiện một nhà máy chế biến của công ty này đặt tại Cần Thơ đã ngừng hoạt động. Nhà máy chế biến chính ở An Giang chỉ còn khoảng 15% công nhân (trong số 800 công nhân) còn làm việc tại chỗ, nhưng công suất chỉ đạt khoảng 15%.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Việt, với công suất hiện tại, Nam Việt không thể hoàn thiện các đơn hàng đã ký kết cho các đối tác của mình trong thời gian tới. “Các hệ thống siêu thị ở châu Âu và Mỹ họ đòi hỏi thời gian giao hàng phải như cam kết. Trong khi đó với tình hình hiện tại, việc hoàn thành đơn hàng đúng thời điểm là gần như không thể. Chúng tôi đã tiến hành thương lượng lùi thời điểm giao, một số đối tác đồng ý nhưng một số khác dọa kiện và đòi bồi thường thiệt hại”, bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, Nam Việt đang đối mặt với nguy cơ mất thị trường ở châu Âu và Nam Mỹ, và khi đã mất thì việc kết nối lại với đối tác ở các thị trường này là vô cùng khó khăn. Nếu trong thời gian tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không quay trở lại như bình thường thì việc mất thị trường không còn là nguy cơ mà sẽ trở thành hiện thực.

Không đến mức mất thị trường như Nam Việt, nhưng hoạt động xuất khẩu của Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) sụt giảm đáng kể từ giữa tháng 7-2021.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước, cho biết, trước thời điểm giãn cách xã hội trung bình mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt từ 25-30 triệu đô la Mỹ. Nhưng từ giữa tháng 7 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu chỉ còn khoảng 5-7 triệu đô la/tháng.

“Một nhà máy chế biến của Thuận Phước ở Tiền Giang đã đóng cửa, nhà máy còn lại ở Đà Nẵng chỉ còn 400 công nhân tiếp tục sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Số lượng công nhân còn sản xuất chưa tới 20%, kéo theo công suất sụt giảm 70-80% khiến lượng sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho đối tác”, ông Lĩnh nói.

Thực tế đến ngày 20-8, ở các tỉnh phía nam chỉ còn 326/449 (chiếm 65%) cơ sở chế biến duy trì được sản xuất. Nhưng ở các nhà máy này, doanh nghiệp phải chia công nhân thay nhau làm ca nên công suất trung bình chỉ đạt khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại, Sóc Trăng, Cà Mau đã tháo gỡ khó khăn tại các nhà máy chế biến thủy sản, hình thành các vùng xanh, cho phép công nhân ở nhà, đưa đón đến nhà máy làm việc nên công suất chế biến đang trên đà phục hồi.

Trung Quốc – một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam – đang có động thái nâng cao hàng rào thương mại đối với sản phẩm thủy sản.

Trước đó, vào cuối tháng 5-2021, Trạm Giang – một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác từ 20-6 đến 15-7 bởi lý do nhiều thành phố như Quảng Châu, Phật Sơn, Thâm Quyến, Trạm Giang, Maoming… có dấu hiệu nhiễm và lây lan Covid-19.

Do đó, kể từ quí 2-2021, giá trị nhập khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông, vốn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, giảm liên tiếp từ 0,8-11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, với tình hình như hiện nay, Trung Quốc sẽ nâng hàng rào thương mại trong thời gian tới là điều chắc chắn. Thậm chí việc kiểm soát Covid-19 thông qua các cửa khẩu, cảng nhập khẩu sẽ được siết chặt hơn. Xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này nhiều khả năng sẽ giảm tiếp trong quí 3-2021.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang diễn ra phức tạp như hiện tại thì không thể nói trước được điều gì. Nếu trong tháng 9, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được nối lại thì việc duy trì đà tăng trưởng của ngành là không khó. Vì ở thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản tại các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… đang phục hồi rất tốt. Ngược lại, nếu tình trạng hiện tại vẫn không có sự chuyển biến sẽ khó ngăn được đà sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu của ngành trong thời gian còn lại của năm 2021.

(Theo Kinh tế SG Online)