agifish.co@agifish.com.vn (+84)2963 852 368 - (+84)918 799 190

Đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng thủy sản - trái cây, giảm lúa

TTO - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thời gian tới sẽ ưu tiên đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp.

Ngày 18-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì hội nghị đánh giá kết quả hai năm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng (ĐBSCL) với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tái cơ cấu ngành, sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL thời gian tới sẽ ưu tiên đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hoá chuỗi giá trị nông nghiệp.

* Với ĐBSCL, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vùng có vai trò quan trọng, kết quả triển khai đến nay ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương vùng ĐBSCL tích cực triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn ĐBSCL và đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.

Năm 2018, ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỉ USD.

Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh: tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.

Nông nghiệp ĐBSCL đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Chuyên canh nông sản chủ lực như tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh. Diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn vùng ĐBSCL có 427,8 nghìn ha, chiếm tới 73,9% diện tích cánh đồng lớn của cả nước.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh; các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC được đẩy mạnh áp dụng...

Tuy nhiên, nông nghiệp ĐBSCL cần phải khắc phục các hạn chế hiện nay, đó là chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, các chuỗi giá trị hoàn chỉnh chưa nhiều. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản chưa tạo được "đột phá" để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh.

Tiếp nữa, năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa được cải thiện nhiều khi các mô hình thích ứng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Các hệ lụy về môi trường ngày càng rõ, làm tăng tính dễ bị tổn thương.

* Khi xác định tăng thủy sản, trái cây; giảm lúa với nông nghiệp ĐBSCL, Bộ NN&PTNT xác định những nhiệm vụ, giải pháp tổng thể nào trong tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL tới đây, thưa ông?

- Định hướng tổng thể nhiệm vụ, giải pháp phát triển ĐBSCL "thịnh vượng, an toàn, bền vững" thời gian tới sẽ phải triển khai 5 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, chủ động thích ứng với thay đổi của điều kiện tự nhiên và thị trường, tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ. Quan trọng hơn nữa là xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát huy ưu thế của các sản phẩm đặc thù địa phương có giá trị để phát triển ĐBSCL thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù.

Thứ ba, ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết ba khâu là giống, thức ăn cho thủy sản, chăn nuôi và chế biến nông lâm thủy sản.

Thứ tư, quy hoạch tích hợp, đa ngành, lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp "không hối tiếc" có điều phối liên vùng, liên kết ngành với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn vùng. Huy động nguồn lực tổng thể của nhà nước, các thành phần kinh tế, toàn dân, hợp tác quốc tế.

Thứ năm, tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các vùng và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực của vùng ĐBSCL theo hướng thị trường, hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế so sánh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

* Còn vấn đề sạt lở, thiếu hụt lượng phù sa ở ĐBSCL, cần có những giải pháp chủ động nào để ứng phó, thưa Bộ trưởng?

Qua theo dõi, hiện nay vùng ĐBSCL xuất hiện 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km, trong đó có 57 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 170km cần phải được xử lý cấp bách và 507 vị trí sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường, tổng chiều dài 664km.

Còn tình trạng thiếu hụt bùn cát thời gian qua là do tác động của việc xây dựng hồ chứa thượng nguồn và do khai thác cát trên sông, ven biển.

Đến nay, việc xử lý các điểm sạt lở đã được ưu tiên giải quyết, tập trung vào các giải pháp: chủ động rà soát, di dời dân cư sinh sống ở ven sông nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn; hỗ trợ di dời khẩn cấp các hộ dân đến nơi an toàn đối với những khu vực xảy ra sạt lở.

Điển hình là sạt lở tại khu vực bờ sông Vàm Nao, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang), sạt lở bờ sông Ô Môn, phường An Thới, quân Ô Môn (Cần Thơ)… đã không có trường hợp nào gây thiệt hại về người.

Các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển đã được triển khai; đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo, xây dựng bản đồ sạt lở vùng ĐBSCL (có 60 điểm sạt lở được cắm tổng số 357 biển cảnh báo theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT).

Bộ NN&PTNT cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách với tổng kinh phí là 2.500 tỉ đồng.

Riêng vấn đề thiếu hụt phù sa ở ĐBSCL do bị các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn giữ lại, chúng tôi cho rằng cần đồng bộ thực hiện các giải pháp như phối hợp với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, Ủy hội sông Mekong quốc tế đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định Mekong 1995.

Đồng thời phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước sông Mekong, giảm thiểu tác động đến các quốc gia vùng hạ du.

Thứ hai, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi khai thác cát trái phép trên các triền sông, nhất là trên dòng chính sông Tiền, sông Hậu.

Thứ ba, nghiên cứu toàn diện về sự thay đổi lòng dẫn, dòng chảy lũ, dòng chảy kiệt, dòng chảy bùn cát sông Mekong và lượng bùn cát về ĐBSCL. Trên cơ sở đó, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý để đảm bảo sự cân bằng tương đối của bùn cát.

Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thay thế cát san lấp và cát xây dựng, tiến tới không sử dụng cát để san lấp.

Thứ năm, sử dụng hợp lý bùn cát nạo vét khơi thông luồng lạch, công trình thủy lợi để san lấp, đắp đê… giảm thiểu áp lực sử dụng cát.

XUÂN LONG thực hiện