agifish.co@agifish.com.vn (+84)2963 852 368 - (+84)918 799 190

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm gần 30%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tháng 11, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đã giảm 29,3% so với tháng 10.

Tình hình ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu Trung Quốc để chờ lấy mẫu xét nghiệm virút SARS-CoV-2 đã làm hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường này ngưng trệ.

Tính đến hết tháng 11, Trung Quốc – Hồng Kông vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đạt 484,8 triệu USD, chiếm 35,7% tổng xuất khẩu cá tra, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường bị ảnh hưởng lớn.

11 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,35 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, ngoài Trung Quốc – Hồng Kông, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 218,3 triệu USD, tăng 4,8%; giá trị xuất khẩu sang Anh đạt 60,15 triệu USD, tăng 48,1% và Singapore đạt 31,4 triệu USD, tăng 14,1%. 

Còn lại, giá trị xuất khẩu sang các thị trường khác vẫn chìm trong mức tăng trưởng âm.

Tháng 11, trong khi xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông, ASEAN, EU giảm, thì giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 5,6%; Anh tăng gần 14%; Mexico tăng 28,8%, Brazil tăng 33% và Colombia tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng xuất khẩu cá tra trong tháng này đạt 144,7 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể nói, cho tới nay, Anh vẫn là thị trường điểm sáng và ổn định nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2020. 

Ngay từ đầu năm, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất khẩu cá tra sang ASEAN, EU, một số nước Châu Mỹ đều giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi.

VASEP dự báo nếu tình hình ách tắc các lô hàng thủy sản, trong đó có cá tra tại Trung Quốc được tháo gỡ nhanh chóng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong năm 2020 giảm dưới 10% so với cùng kỳ năm 2019.


 
Tại Hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành thủy sản" ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết: "Hiện nay, chúng tôi không đặt được container để giao hàng. 

Ngay cả khi đặt được thì giá cước cũng tăng tới 10 lần so với trước lên 10.000 USD/chuyến và chưa chắc có thể đi được luôn vì phải chờ rất lâu".

VASEP đã làm việc với Bộ Công Thương về vấn đề này. Tuy nhiên, ông Nam cho biết tình trạng này được dự đoán sẽ kéo dài đến tháng 6 năm sau. 

"Chúng tôi đã trao đổi với Bộ Công Thương và Bộ cũng đánh giá phải đến tháng 6 tình trạng này mới kết thúc. Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng hết quí I năm tới việc này sẽ không còn nữa bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Hi vọng Thủ tướng có có giải pháp bởi tất cả các ngành đều ảnh hưởng nhưng với những ngành sử dụng container lạnh càng ảnh hưởng hơn", ông Nam nói.

H.Mĩ