agifish.co@agifish.com.vn (+84)2963 852 368 - (+84)918 799 190

Tăng cường quản lý nhằm đáp ứng Đạo Luật Farm bill trong hoạt động nuôi, sản xuất cá tra

Theo Đạo Luật Farm Bill 2014, từ tháng 3-2016, cá da trơn (catfish) thuộc bộ Siluriformes (gồm cá tra, ba sa…) dù nuôi nội địa hay nhập khẩu đều sẽ chuyển việc kiểm soát từ FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ) sang FSIS (Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA). Như vậy, cá tra (kể cá ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt, mà theo FSIS, chỉ được nhập khẩu vào nếu chứng minh có sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Mỹ.


Thời gian hiệu lực của đạo luật này là từ tháng 3-2016, tức sau 90 ngày từ khi công bố (đầu tháng 12-2015), còn có thời gian chuyển tiếp là 18 tháng, nên đến tháng 9-2017 mới chính thức áp dụng triệt để các quy định của FSIS. Thế nhưng, từ đầu tháng 3-2016, những loài cá da trơn bộ Siluriformes từ các nước, gồm cá tra Việt Nam muốn xuất khẩu vào Mỹ sẽ chịu sự giám sát của FSIS. Đồng thời, từ nay đến trước ngày 1-3-2016, phía Việt Nam cần phải gửi danh sách các DN đang và mong muốn xuất khẩu vào Mỹ (tên, số lượng dự kiến). Các DN muốn xuất khẩu vào Mỹ nên có danh sách chung hoặc rút gọn thông qua Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep). Bộ hồ sơ chứng minh phải đáp ứng đủ quy định của FDA như có HACCP chứng minh đủ điều kiện để xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn chuyển tiếp, chứ chưa phải là hồ sơ chứng minh về sự tương đồng. Nếu như trước đây, FDA cần thời gian 1 tuần để rà soát, nay với FSIS, yêu cầu kiểm soát theo từng ca trước ngày xuất hàng, bao gồm cả nhãn hàng hóa và kiểm tra cho đến tay người tiêu dùng. Điểm khác biệt cơ bản giữa FDA và FSIS là việc áp tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn an toàn thực phẩm) có những điểm không giống nhau. FSIS quy định nghiêm ngặt việc kiểm soát theo từng công đoạn (từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy…). Chỉ với những việc này đã làm tăng chi phí đầu vào trong quá trình nuôi. Thế nhưng, ngay cả nhà nhập khẩu bên Mỹ cũng phải đáp ứng đầy đủ các quy định của FSIS, như việc chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cá tra phải có thiết bị chế biến riêng (thêm gánh nặng chi phí). Và việc kiểm soát chất lượng sản phẩm phải thực hiện cho đến khi hàng đến tay người tiêu dùng.


Để chủ động đáp ứng với Luật Nông trại Hoa Kỳ 2014 (Farm bill 2014), vừa qua Tổng cục Thủy sản đã có công văn 649/TCTS-NTTS đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở muôi cá tra tăng cường công tác quản lý môi trường. Hướng dẫn chủ cơ sở nuôi thường xuyên ghi nhật ký nuôi; kiểm soát môi trường ao nuôi, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý, cải tạo ao môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về điều kiện, truy xuất nguồn gốc. 


Văn Thọ