agifish.co@agifish.com.vn (+84)2963 852 368 - (+84)918 799 190

Thủy sản miền Tây ‘hồi sức’ trong nỗi khó khăn

Theo số liệu hải quan, tình hình xuất khẩu hai mặt hàng thủy sản chủ lực tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự hồi phục sau một thời gian “tê liệt” vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Dù vậy sự phục hồi này thật khó trước những ảnh hưởng của bộ tam hạn - mặn và dịch bệnh Covid.

Vùng ĐBSCL được đánh giá có tiềm năng bậc nhất về nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu nhưng ngành này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng hạn-mặn và dịch Covid-19. Ảnh: Văn Huỳnh.

Tôm cá “cố vượt” hạn, mặn và Covid-19

Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1 năm nay, mặc dù xuất khẩu tôm sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc sụt giảm mạnh do dịch Covid-19 nhưng bù lại việc xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản trong tháng 2 tăng đến 63%, kim ngạch quý 1 đạt 132 triệu đô la Mỹ, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất vào lúc này.
Kế đến là thị trường Mỹ cũng đã nhập khẩu một lượng tôm trị giá hơn 115 triệu đô la từ Việt Nam, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Một số thị trường khác, như Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đang có dấu hiệu hồi phục, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý 1 đạt 628,6 triệu đô la Mỹ, tăng1,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến hết tháng 3 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 1,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 14%. Trong khi xuất khẩu tôm tăng, thì xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất (-31%), xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác cũng giảm sâu (cá ngừ giảm 13,5%, mực - bạch tuộc giảm 28%).

Đối với ngành hàng cá tra thì “sức đề kháng” kém hơn. Trong quý 1 vừa qua, xuất khẩu cá tra sang các thị trường đạt 334 triệu đô la Mỹ, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn, như các nước thuộc khu vực ASEAN, EU, Brazil, Mexico, Colombia, Australia giảm mạnh. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN giảm 29%; EU giảm hơn 30%, Brazil giảm 19%, Mexico giảm 57,8%, Colombia giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra nguyên liệu cũng vì thế giảm mạnh về mức 20.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng.

Tuy nhiên, theo nhận định của VASEP, bức tranh xuất khẩu đang sáng lên khi chứng kiến giá trị xuất khẩu cá tra sang hai thị trường lớn là Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ tăng trưởng trở lại. Trong tháng 3 vừa qua, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã tăng 109% so với tháng 1 trước đó. Dự báo trong quý 2 này, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính hết tháng 3 vừa qua, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 61,7 triệu đô la, chiếm 18,5%, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng thị trường này đang có dấu hiệu khởi sắc. Nếu tình hình dịch bệnh ở đây lắng dịu, không bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong giao dịch thương mại, thì hy vọng sẽ đạt tăng trưởng dương trong năm 2020.

VASEP cho hay xuất khẩu cá tra ở một số thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh Văn Huỳnh.

Theo ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, dịch bệnh Covid -19 gây ảnh hưởng đến hầu hết lĩnh vực, quốc gia trên thế giới, trong đó ngành thủy sản cũng không phải là một ngoại lệ. “Tuy nhiên, khi mắc mưa ai có chuẩn bị sẵn ô, áo mưa thì không ướt, không bệnh”, ông Thành nói ví von.

Tập đoàn Sao Mai có vùng nuôi nguyên liệu cá tra có các công ty thành viên, liên kết ngành thủy sản là I.D.I, Trisedco, Dầu cá châu Á - khép kín từ nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, tận dụng các phụ phẩm tinh luyện dầu ăn, chế biến thức ăn thủy sản, lợi nhuận trong ngành được lưu chuyển khép kín bỗ trợ cho nhau.

Mặc dù trong những tháng đầu năm nhiều thị trường xuất khẩu mặt hàng này bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhờ tập đoàn đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó nên thiệt hại không đáng kể, các hộ nuôi cá liên kết với doanh nghiệp không lúc nào bị lỗ, ông Thành cho biết.

Lo tôm bệnh, thiếu kho lạnh và thiếu vốn xoay

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), nguyên là Chủ tịch VASEP – cho biết, tình trạng hạn mặn kèm nắng nóng năm nay khiến sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, tôm trong ao dễ bị sốc, yếu, dễ nhiễm bệnh. Bệnh tôm, do đó đã bộc phát khá mạnh trong tháng 3 đối với các ao nuôi tôm thả sớm. bệnh phổ biến là vi bào tử trùng (EHP) và bệnh virus đốm trắng (WSSV), khiến tôm nuôi khoảng tháng rưỡi bị sự cố, phải thu hoạch khá nhiều tôm cỡ nhỏ.

“Trong quý 1, các thị trường lớn nhập tôm của Việt Nam còn chưa chịu tác động mạnh của Covid-19 nên tôm xuất trong quý 1 còn khá, tăng hơn 2% so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, qua đầu tháng 4 đến nay, nhiều quốc gia này đã phong tỏa một phần đất nước khiến nhiều nhà hàng đóng cửa, khiến một số hợp đồng bị dừng lại. Hiện nay, thời tiết chưa thuận lợi, khả năng qua tháng 5 thích hợp thả giống nhiều hơn. Người nuôi hết sức quan tâm thông tin tích cực về giá tôm cũng như nguồn tín dụng để có vốn nuôi tôm. Đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản, Nhà nước cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ về giảm, giãn lãi suất, thuế, tiền thuê đất để phục hồi sản xuất”, ông Lực đề xuất.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, lo lắng: “do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng dịch bệnh, khách hàng hủy, lùi đơn hàng nên lượng các tra qua chế biến tại các doanh nghiệp đang tồn kho rất lớn. Trong các ao nuôi cá nguyên liệu quá lứa, cỡ chiếm hơn 40%. Hiện cả vùng đang rất thiếu kho lạnh phục vụ cho trữ đông sản phẩm thủy sản. Trong khi đó để đầu tư kho lạnh phục vụ thương mại rất tốn kém, thu hồi vốn chậm và chưa có cơ chế tín dụng ưu đãi cho nên thời gian qua doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư dự án này.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết Công ty I.D.I – thành viên của tập đoàn Sao Mai – vừa đưa vào sử dụng kho lạnh hơn 11.000 pallets, đây là kho của nhà máy thứ tư nhưng xây kho trước nhà máy. Hiện tại, công ty đã có bốn kho lạnh với công suất trên 40.000 tấn nhưng chỉ mới đủ đáp ứng nhu cầu cho nhà máy chưa thể cho thuê. Việc đầu tư thêm kho lạnh đã được tính đến, tuy nhiên cũng do nhận thấy vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi chậm nên và chưa có cơ chế tín dụng ưu đãi nên doanh nghiệp chưa dám đầu tư.

Thông tin thêm về dịch vụ cho thuê kho lạnh, ông Võ Chính – người phụ trách kho của Công ty cổ phần MeKong Logistics (Hậu Giang) – cho biết: diện tích kho lạnh của công ty 5 héc ta/50.000 pallets, nhưng từ hơn một tuần nay công ty đã ngưng nhận đơn hàng mới. Ông Chính cũng xác nhận nhu cầu thuê kho lạnh tại khu vực ĐBSCL đang tăng mạnh, các đơn vị cung cấp không đủ diện tích kho để đáp ứng.